Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘Thẩm mỹ’

Ích lợi từ trái đu đủ

TTO – Đu đủ không chỉ là loại trái cây ngon ngọt, mát, bổ mà còn chứa nhiều carotin hơn so với các loại trái cây khác như táo, ổi, chuối.

Ngoài ra, trong đu đủ còn có một lượng lớn axit Ascorbic ( Vitamin C), Vitamin A, canxi, sắt, vitamin B, B2. Bên cạnh đó, các quý bà còn sử dụng đu đủ như một loại mỹ phẩm từ thiên nhiên.

“Hỗ trợ” tiêu hoá

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đu đủ có chứa một loại enzim tiêu hoá mang tên “papain”, rất tốt cho quá trình tiêu hoá. Chính bởi lý do này, nước ép của trái đu đủ xanh đã được sử dụng trong việc bào chế ra các loại thuốc với mục đích chữa trị và hỗ trợ hệ thống tiêu hoá.

Thần dược của phái đẹp

Nước ép của trái đu đủ và nhựa khô là thành phần chính trong quá trình sản xuất các loại kem chống mụn và dầu gội dưỡng tóc.

Vỏ của trái đu đủ xanh có thể được giữ lạnh trong tủ lạnh và sử dụng để tạo mặt nạ. Điều này cũng lý giải tại sao người dân thuộc xứ Island luôn được “sở hữu” một làn da trắng mịn, và nhất là không bao giờ lo sợ mụn trứng cá tấn công.

Có khả năng chống ung thư

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong trái đu đủ có chứa chất chống ung thư và giúp ngăn ngừa sỏi mật. Cho nên, bạn hãy “năng” ăn đu đủ với mục đích phòng ngừa ung thư.

Tác dụng giảm cân

Trong 100 gam đu đủ chỉ có chứa rất ít hàm lượng calo khoảng 32kcal. Bởi vậy, nếu bạn có ý định giảm cân, đừng quên bổ sung thêm đu đủ vào thực đơn của mình.

Thích hợp với bệnh nhân mắc tiểu đường

Đu đủ tuy có vị ngọt, nhưng các công trình nghiên cứu đã cho thấy rằng, bệnh nhân mắc tiểu đường hoàn toàn có thể yên tâm khi ăn đu đủ mà không phải lo lắng bất cứ điều gì.

Điều trị các vết chai và mụn cóc

Bạn bối rối, ngượng ngùng khi thấy xuất hiện các vết chai sạm hay những nốt mụn cóc xấu xí trên da. Cách làm đơn giản sau sẽ giúp bạn nhanh chóng “gỡ rối” và “trả lại” cho bạn sự tự tin.

Chỉ cần lấy nhựa từ lá của cây đu đủ bôi lên vùng da bị chai hay mọc mụn. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra hiệu quả khó tin.

Khắc phục chứng rối loạn “nguyệt san”

Rối loạn nguyên san là căn bệnh không hiếm xảy ra với các bạn gái. Không nhất thiết phải dùng đến các loại thuốc mới có thể chữa trị. Chỉ đơn giản hãy thường xuyên ăn lá còn xanh của cây đu đủ cũng có thể cải thiện tình hình. Ngoài ra, có thể uống nước siro chế biến từ cây lô hội (nha đam) cũng đem lại ích lợi tương tự.

Ngăn ngừa nhiễm trùng và mưng mủ

Sưng phồng luôn gây cho bạn cảm giác đau rát, rất khó chịu thậm chí dẫn tới nhiễm trùng. Trong trường hợp đó, hãy lấy nước ép của trái đu đủ xanh, đắp lên vết sưng phồng để ngăn ngừa sự nhiễm trùng và mưng mủ.

Điều trị vết loét trên da

Để làm lành các vết loét trên da, bạn hãy trộn một chút bơ với nước đu đủ và bôi lên vết loét. Cách làm này có tác dụng làm se bề mặt và nhanh chóng làm liền vết thương.

Liều thuốc hạ huyết áp

Bởi lẽ trong trái đu đủ có chứa một lượng lớn kali chính vì thế đu đủ được xem là phương thuốc cực kỳ hữu ích đối với bệnh nhân huyết áp cao và cũng giúp cho tinh thần bạn luôn thăng bằng và thoải mái. Vì thế, bạn đừng quên ăn đu đủ thường xuyên.

Phòng tránh bệnh tim mạch

Hàng “tá” các công trình nghiên cứu đã cho hay, dưỡng chất có trong đu đủ có khả năng ngăn ngừa quá trình oxy hoá của cholesterol (Cholesterl chỉ có khả năng gây ảnh hưởng đến tim mạch khi bị oxy hoá). Đây cũng là bằng chứng cho thấy đu đủ có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch và đột quỵ.

Giúp sáng mắt

Bạn (đặc biệt là người già) nên ăn khoảng 3 phần đủ đủ mỗi ngày trở lên để ngăn ngừa quá trình lão hoá cũng như suy giảm thị lực

Rất tốt cho da

Khỏi cần xài các loại mỹ phẩm đắt tiền, bạn hãy tự chế ra các loại mặt na dưỡng da với trái đu đủ. Hiệu quả thật tuyệt vời mà nhất là không gây kích ứng cho da.

Bạn có thể kết hợp đu đủ với một số loại nguyên liệu khác để tạo mặt nạ như sữa tươi, sữa chua hoặc chỉ đơn giản là nghiền nhuyễn đu đủ chín đắp lên mặt và rửa sạch sau khoảng 15-20 phút có tác dụng làm mềm, mịn da, ngăn ngừa mụn, các vết nám và đặc biệt phát huy tác dụng trong việc điều trị làn da thô ráp.

KHỔNG THU HÀ (Theo PP)

Read Full Post »

Sức khỏe qua giấc ngủ

Dậy sớm là một trong những điều mà người già thường cho là tốt. Nhưng liệu việc dậy sớm có thật sự tốt cho cơ thể chúng ta hay không?

Dưới đây là bài viết của giáo sư tâm sinh lý Tadao Hori ở Trường đại học Hiroshima (Nhật Bản), chuyên gia hàng đầu về khoa học của giấc ngủ giải đáp những khúc mắc liên quan đến giấc ngủ và sức khỏe.

Dậy sớm có thật sự tốt hay không?

Về lý thuyết là có. Nhưng dậy sớm không tốt nếu bạn giảm thời gian ngủ để dậy sớm. Cơ thể của chúng ta được thiết kế để thức dậy khi mặt trời mọc. Nhiệt độ cơ thể giảm khi mặt trời lặn, khiến chúng ta buồn ngủ. Nhiệt độ cơ thể đạt mức thấp nhất vào lúc 4-5 giờ sáng. Người ta cảm thấy dễ chịu nhất khi thức dậy vào lúc nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng.

Có phải dậy sớm khiến chúng ta sáng tạo hơn?

Dậy sớm kết hợp với nhiều yếu tố khác mới khiến chúng ta sáng tạo hơn. Nếu bạn dậy muộn và vội vàng đi làm mà không ăn sáng, bạn sẽ có một tinh thần lơ mơ và lại thiếu năng lượng. Điều này sẽ không giúp bạn làm việc hiệu quả hơn việc dậy sớm và bình tĩnh chuẩn bị đi làm.

Ngủ từ 10 giờ tối – 2 giờ sáng sẽ khiến da chúng ta mềm mại?

Đúng vậy. Thật sự là cơ thể con người bắt đầu cần được ngủ từ lúc 10 giờ tối, khi đó nhiệt độ cơ thể bắt đầu giảm. Nếu bạn đi ngủ muộn hơn, tức là bạn đã thức lâu hơn và điều này chất thêm gánh nặng cho cơ thể bạn. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nếu bạn đi ngủ lúc 10 giờ tối, bạn sẽ dễ dàng ngủ ngon hơn.

Nếu bạn ngủ ngon, cơ thể bạn sẽ tạo thêm nhiều hormon tăng trưởng và sự trao đổi chất được cải thiện, và điều này giúp bạn tránh sự lão hóa. Nhưng những người trẻ tuổi vẫn có thể ngủ ngon khi họ thức khuya. Nếu những người từ 35 tuổi trở lên không có lối sống lành mạnh thì da của họ sẽ lãnh hậu quả.

Tại sao người già thường ngủ ít hơn và lại dậy sớm?

Không phải người già thích dậy sớm. Họ cũng thích ngủ nhiều hơn nhưng họ không thể làm vậy. Ngủ một mạch tám tiếng có nghĩa là hệ thống điều khiển giấc ngủ của não còn trẻ. Với người già, khả năng điều khiển giấc ngủ giảm, và giấc ngủ của họ nông hơn.

Mặt khác, người già đi ngủ sớm vì họ mệt mỏi. Bởi vì cơ thể yêu cầu phải thức 16 giờ, người già thường buồn ngủ khoảng lúc 8 giờ tối và có thể ngủ tạm thời, nhưng nếu họ tỉnh giấc sau khi ngủ chợp một lúc, họ sẽ rất khó ngủ lúc đêm. Do vậy, người già nên ngủ chợp trong khoảng 20-30 phút lúc ban ngày để lấy lại năng lượng.

Cách tốt nhất để có giấc ngủ sâu?

Nếu bạn đi bộ trong 2-3 tiếng trước khi đi ngủ, nhiệt độ cơ thể bạn sẽ tăng khoảng một độ. Sau đó, khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống, bạn nên vào giường bởi vì khi ấy bạn sẽ ngủ dễ hơn. Trái lại, ở người già, nhiệt độ cơ thể của họ duy trì lâu hơn. Vì vậy, nếu họ đi dạo vài tiếng trước khi đi ngủ (tức khoảng 5-6 giờ chiều), thì đến 9-10 giờ tối, nhiệt độ cơ thể họ mới giảm và khi đó họ sẽ dễ ngủ hơn.

Chúng ta thấy sảng khoái khi hít thở không khí buổi sáng sớm. Tại sao?

Không khí buổi sáng mát mẻ hơn. Ánh mặt trời buổi sớm mai cũng chứa nhiều ánh sáng xanh hơn, và điều này khiến người ta tỉnh táo hơn. Và chính ánh nắng buổi sớm “lên dây cót” cho nhịp sinh học của bạn. Nếu bạn mở cửa sổ trong buổi sớm và để không khí bên ngoài ùa vào thay vì hít thở không khí trong phòng (chính là thứ không khí mà bạn đã thở ra), bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Còn khi mặt trời xuất hiện, ánh nắng sẽ mạnh hơn, và bạn sẽ thấy ánh nắng chói không khiến bạn thoải mái nữa.

Một yếu tố nữa là nếu bạn thức dậy cảm thấy khoan khoái và nhìn ra ngoài cửa sổ sẽ thấy mọi vật tuyệt đẹp. Có thể là một hiệu ứng tâm lý nhưng thật sự cũng rất quan trọng.

Một bữa sáng no nê có làm bạn đỡ béo hơn một bữa tối nặng nề không?

Có. Bởi vì sau bữa tối bạn ít chuyển động, bạn nên ăn tối ít nhất trước khi ngủ ba giờ đồng hồ. Nguyên do là hoạt động của ruột dừng khi bạn ngủ và thức ăn sẽ “mắc” lại ở dạ dày bạn. Kể cả nếu bạn ăn tối sớm hơn ba giờ đồng hồ trước khi đi ngủ, cơ thể bạn sẽ dự trữ lượng calo nạp vào thành chất béo vì bạn không đốt cháy calo trong suốt một đêm. Ngược lại, trong buổi sáng, bạn cần rất nhiều năng lượng, bởi vì bạn đã không ăn gì suốt tám giờ trước đó, đồng thời não của bạn đã đến lúc cần đường.

Người ta nên ăn gì vào bữa sáng?

Đường trái cây và mật ong rất tốt vì chúng cung cấp năng lượng cho não. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên ăn đường trong bữa sáng. Bạn cũng cần chất béo và chất đạm để có đủ năng lượng.

THƯƠNG VŨ (Theo Japantimes)

Read Full Post »

Kem chống nhăn gây… bệnh cho da

Một trong những thành phần không thể thiếu trong nhiều loại “thần dược trị nếp nhăn” là – DMAE (2-dimethylaminoethanol). Ngoài các sản phẩm chống nhăn DMAE còn được đưa vào nhiều loại mỹ phẩm, kem dưỡng, son môi, dầu gội, xà phòng, baby lotions và không ai dám chắc về cơ chế hoạt động trên da của chúng hiện nay.

 

Trưởng nhóm nghiên cứu Guillaume Morissette, Lucie Germain, and FranFois Marceau  BS Marceau đã tiến hành các thử nghiệm và kết quả cho thấy DMAE có thể gây kích ứng các tế bào da ngay lập tức và tác động trên cả bề mặt lẫn sau trong tế bào. Sau khi bôi DMAE lên da, khả năng chuyển dưỡng của các tế bào chậm lại và khiến các nguyên bào sợi ngừng hoạt động và chết đi.

 

“Mặc dù DMAE có tác dụng tương tự như thuốc nhưng có dất ít những cứ liệu khoa học về tác dụng dược lý và các phản ứng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, chúng tôi không nói rằng DMAE gây nguy hại cho những người sử dụng chúng ở mức vừa phải nhưng rõ ràng, cần phải có những nghiên cứu sâu hơn để xác định xem liệu có hay không nguy cơ gây hại cho sức khỏe”, BS Marceau nhấn mạnh.

 

“Một số hợp chất trong mỹ phẩm có hoạt tính như dược lý và chúng có thể thẩm thấu qua da, vào máu và được lọc thải qua thận hay giữ lại trong tế bào, thậm chí là gan. Trong khi đó, việc kiểm soát mỹ phẩm lại không được chặt chẽ như các loại thuốc”, BS Marceau kết luận.

 

Uyên Phương

Theo ANI

Read Full Post »

Nốt ruồi lợi hay hại?

Nốt ruồi là gì? 

Nốt ruồi là một loạn sản sắc tố da khu trú, có tính chất bẩm sinh. Y học xếp nốt ruồi vào nhóm các naevi sắc tố (danh từ dân gian gọi là bớt). Nốt ruồi được biểu hiện trên da bằng những biểu hiện sắc thái khác nhau như: sần lên, nổi cục nhỏ tròn, ranh giới rõ, gờ cao có màu nâu sẫm hoặc đen.  

Có những nốt ruồi nằm ở giữa sợi lông. Có nốt ruồi xung quanh lại có quầng bạc màu. Nốt ruồi có thể xuất hiện ở mọi vùng da trên cơ thể. Số lượng nốt ruồi ít hoặc nhiều, kích thước to hoặc nhỏ tuỳ theo từng người không giống ai cả. Nốt ruồi thường xuất hiện từ khi còn bé nhưng cũng có trường hợp khi lớn lên mới xuất hiện. 

Nốt ruồi lợi hay hại? 

Điều đặc biệt là ở nốt ruồi tập trung nhiều sắc tố melanin (sắc tố này gọi là hắc sắc tố). Trong vùng nốt ruồi có nhiều đám tế bào sắc tố gọi là tế bào naevi. Tế bào này có nhiều nguy cơ chuyển thành tế bào ung thư gây u hắc sắc tố. Nhưng không vì thế mà bạn lo lắng vì những nốt ruồi xuất hiện trên cơ thể. Bởi vì hầu hết những nốt ruồi nhỏ, phẳng, màu đen vừa phải, kích thước không to quá, màu đen không quá đậm, thường là những nốt ruồi lành tính không gây nguy hại gì.  

Một trong những nguyên nhân làm nốt ruồi có thể chuyển thành u hắc sắc tố là khi cơ thể bạn bị kích thích do chấn thương, nhất là trong giai đoạn dậy thì. Nốt ruồi càng to càng đen thì nguy cơ hư biến càng nhiều. Những nốt ruồi nằm ở vị trí dễ bị va chạm cọ xát như ở lòng bàn tay, quanh miệng, quanh thắt lưng càng cần được chú ý tránh va chạm mạnh. Còn lại tất cả các nốt ruồi khác với kích thước nhỏ, lẻ tẻ cần giữ gìn theo dõi, tránh bôi những thứ thuốc không theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 

Làm gì với “một chút duyên”? 

Tuyệt đối bạn không nên tự động cậy, cắt, nạo hay đánh tẩy nốt ruồi bằng vôi, axit, pin đèn, đắp lá… điều này rất dễ dẫn đến nguy hiểm. Bạn cũng đừng nhầm nốt ruồi với tàn nhang vì tàn nhang là những vết loạn sắc tố, màu nâu sẫm. Tàn nhang nổi lấm tấm nhiều nhất ở cổ, mặt, mùa hè nổi nhiều hơn mùa đông. Tàn nhang không gây đau ngứa và hoàn toàn lành tính.  

Bạn cần lưu ý nếu một nốt ruồi nào đó tự nhiên sẫm màu lên, mọng lên, có viền viêm đỏ quanh chân, đau ngứa rấm rứt hoặc nổi thêm một số nốt bên cạnh và có nổi hạch ở những vùng tương xứng thì bạn phải kịp thời đến các cơ sở y tế khám vì đó là các triệu chứng báo hiệu những biểu hiện xấu.  

Nốt ruồi dù ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể bạn cũng không liên quan gì đến “tướng số” giàu nghèo, hạnh phúc hay bất hạnh. Vì vậy, bạn chớ nhẹ dạ cả tin để kẻ xấu lợi dụng mà phán những “lời có cánh” để rồi dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang”.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Read Full Post »

Nên tập thể dục vào buổi sáng hay tối?

Tập buổi sáng (đi bộ, chạy bộ…) giúp bạn đốt đi nhiều chất béo hơn. Ảnh minh họa từ www.heavenlyideas.com

Việc đầu tiên, hãy chú ý đến khả năng của chính cơ thể mình. Thời gian tập luyện được lựa chọn nên phù hợp với đồng hồ sinh học và cả lịch làm việc hàng ngày của bạn.

Chiều – để tăng cơ bắp

Buổi chiều phù hợp với các dạng tập nặng, như đấm bốc, quần vợt và thể dục thể hình.

Nguyên nhân thứ nhất là do về chiều, nhiệt độ cơ thể có xu hướng tăng vài độ, sẽ làm ấm cơ, các khớp nối, nhờ đó cơ thể có phần dẻo dai hơn và tập tốt hơn.

Cũng khoảng thời gian này, tim mạch và các khối cơ, trải qua quá trình hoạt động trong ngày, đã được chuẩn bị sẵn sàng cho sức ép của các bài tập, không còn “ỳ trệ” như lúc bạn mới bước từ trên giường xuống nữa.

Tập thể dục nặng vào buổi sáng nếu không khởi động kỹ càng có khi còn đẩy bạn vào nguy cơ chấn thương.

Một lý do khác để bạn tập nặng về chiều: Buổi sáng, các khối cơ chưa có đủ glycogen hay năng lượng dữ trữ để hỗ trợ bạn tập hiệu quả.

Sáng – nếu muốn giảm cân

Các bài tập buổi sáng chủ yếu hướng tới đối tượng muốn giảm khối lượng cơ thể thừa hoặc giữ form người cân đối.

Tập buổi sáng (đi bộ, chạy bộ, đạp xe…) với cái bụng rỗng giúp bạn đốt đi nhiều chất béo hơn (vì năng lượng dự trữ đã dùng gần hết, cơ thể buộc phải chuyển sang “kho” chất béo dự trữ năng lượng). Và kết quả là bạn có thể “tẩu tán” chất béo trước khi nhu cầu ăn uống trong ngày kịp bổ sung, tích lũy chúng. 

Một điều nên ghi nhớ: Cứ vận động là tốt cho sức khỏe. Lựa chọn thời gian phù hợp sẽ tăng hiệu quả tập luyện và đưa bạn tới gần mục đích của mình hơn.

Theo HUYỀN ANH – Dân trí

Read Full Post »

Older Posts »