Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Một 15th, 2007

Tại cuộc hội thảo về hội chứng mãn dục nam và công dụng của thuốc y học cổ truyền Fitôgra-f (do Công ty dược phẩm Fito Pharma sản xuất) vừa được tổ chức ở tỉnh Bình Dương, giáo sư – tiến sĩ Trần Quán Anh (ảnh) – Giám đốc Trung tâm nam học (Bệnh viện Việt – Đức) đã cảnh báo những nguy cơ  “suy giảm chất lượng cuộc sống” ngày càng nghiêm trọng bởi căn bệnh này. PV Thanh Niên đã đề nghị giáo sư nói rõ thêm một số vấn đề xoay quanh nội dung trên. * Thưa giáo sư, thời gian gần đây báo chí có vẻ quan tâm đến “sức khỏe” của đàn ông hơn trước?- Giáo sư Trần Quán Anh: Tình trạng mãn kinh của phụ nữ người ta nói mãi rồi nhưng “mãn kinh của đàn ông”, chính xác là mãn dục nam lại ít được nhắc tới, trong khi xét về bản chất vấn đề này quan trọng không kém gì, thậm chí còn hơn. Mãn dục nam có thể hiểu nôm na là sự suy giảm nội tiết tố sinh dục nam (testosterone) trong máu, thường xuất hiện ở đàn ông sau 30 tuổi, tác động rõ rệt nhất đến cơ thể sau độ tuổi 40 với hàng loạt dấu hiệu như: sức khỏe giảm, mau bị mệt mỏi; khối cơ và lực cơ giảm; bụng to ra; giảm ham muốn tình dục, gia tăng rối loạn cương; khí sắc xấu, tăng rối loạn tim mạch…

Mãn dục nam không phải là bệnh cấp tính hoặc nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người đàn ông và hạnh phúc gia đình; gây những hậu quả về mặt xã hội như dẫn đến ly hôn, sứt mẻ tình cảm vợ chồng… Trên thế giới, vấn đề này được giới y học và người dân quan tâm đã nhiều năm nay, còn ở nước ta là khá mới mẻ, chưa được phổ biến, chưa có sự nhìn nhận, đánh giá đúng mức. Thời gian gần đây dư luận xã hội nói chung cũng như giới truyền thông đã có nhiều tác động tích cực để tạo những chuyển biến trong nhận thức về mãn dục nam.

* Thưa giáo sư, việc thay đổi quan niệm không phải là phương cách duy nhất cải thiện sự “xuống cấp” của đàn ông khi bước vào tuổi mãn dục nam?

– Giáo sư Trần Quán Anh: Đúng vậy. Chữa bệnh thì phải dùng thuốc. Y học hiện đại thế giới đã có nhiều đột phá trong việc tìm ra những loại thuốc điều trị rối loạn cương khá hiệu quả, chẳng hạn Viagra, Levitra, Cialis. Ở Việt Nam, dân gian từng có những phương thuốc, bài thuốc cổ truyền hiệu nghiệm dành cho nam giới. Một trong những ưu điểm của y học cổ truyền là tính an toàn, ngoài ra dược liệu lại có sẵn, rất sẵn trong điều kiện tự nhiên nước ta như hải mã, nhân sâm, nhung hươu, tắc kè, lộc quế, dâm dương hoắc…

Nếu khai thác tốt, chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề của nam học một cách tự nhiên, bền vững, an toàn và hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí, không bị phụ thuộc vào các loại tân dược mà chúng ta đang phải nhập từ nước ngoài rất tốn kém. Vừa qua Trung tâm nam học (Bệnh viện Việt – Đức, Hà Nội) sau nhiều năm  nghiên cứu lâm sàng về thuốc Fitôgra-f điều trị mãn dục nam do Công ty Fito Pharma (của VN) sản xuất dựa trên bài thuốc dân gian “Hải lộc tán” đã rút ra kết luận thuốc cổ truyền VN không hề thua kém thuốc tân dược ngoại, thậm chí có mặt còn hơn, không chỉ gia tăng ham muốn tình dục mà còn điều trị được tình trạng suy nhược sinh dục do giảm testosterone, bồi bổ sức khỏe để chống lại các triệu chứng mãn dục nam.

X.Quỳnh (thực hiện)

Read Full Post »

Phòng và điều trị các bệnh ngứa da

Thời gian qua tại ký túc xá một số trường đại học đã xảy ra hàng loạt các trường hợp sinh viên bị viêm ngứa da. Sau đây là cách phòng và điều trị các bệnh viêm ngứa da dễ lây trong không khí.Các nguyên nhân có thể gây ngứa da:1. Bệnh thủy đậu và Zona.

2. Viêm da tiếp xúc với hóa chất từ thực vật.

3. Viêm da tiếp xúc với hóa chất từ động vật.

4. Viêm da dị ứng: dị ứng do thời tiết và phấn hoa.

5. Bệnh của da: Nấm da, nấm kẽ, nấm móng, lang ben, nấm tóc, bệnh rận lông mu (do con rận sống trên da vùng có lông, tóc hút máu gây ra ngứa), ghẻ.

6. Do các bệnh trong cơ thể:

  + Nhiễm ký sinh trùng đường ruột (giun sán): da hay nổi mẩn ngứa.

  + Bệnh tiểu đường: thường gây ngứa ở da, mụn nhọt, nhiễm nấm.

  + Suy thận: không thải được các chất độc ra ngoài cũng gây ngứa da.

  + Thay đổi nội tiết: khi mang thai thường bị ngứa da lan tỏa.

  + Bệnh bạch huyết ác tính: thường ngứa dữ dội từng đợt, kèm hạch bạch huyết sưng to.

  + Mụn nhọt thân thể.

  + Sùi mào gà: gây các nốt mụn sần trên da.

  + Viêm gan, suy gan.

  + Bệnh mụn rộp do vi-rút Herpes.

  + HIV & AIDS.

7. Do hóa chất: chất độc da cam, mỹ phẩm…

Việc xác định nguyên nhân gây ngứa phải căn cứ vào soi tổn thương da tại chỗ, tìm ký sinh trùng hoặc cấy tìm vi sinh vật gây bệnh.

Viêm da tiếp xúc với hóa chất từ thực vật:

* Viêm da quang thực vật: Thường xuất hiện vào cuối mùa hè, đầu mùa thu.

– Nguyên nhân: Trong lá cây có một số chất giúp thực vật tự kháng lại vi nấm. Chất này thường hiện diện trong hai họ thực vật là họ hoa dạng tán và họ cam. Nhiều họ cây khác cũng có chứa độc tố gây hại cho da như họ cây cửu lý hương, họ dâu tằm, họ đậu…

– Triệu chứng: Sau khi tiếp xúc với hóa chất 30-120 phút, da sẽ nổi những mảng đỏ, phù, ngoằn ngoèo. 24-72 giờ sau, các mụn nước xuất hiện, đau nhưng không ngứa. Sau 1-2 tuần, có khi kéo dài hàng tháng hàng năm, vùng da bệnh sẽ thâm đen.

 – Phòng và điều trị:

+ Không nên trồng cây thuộc các họ kể trên ở gần nhà.

+ Bảo hộ khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới tán cây.

+ Rửa ngay với xà phòng và nhiều nước nếu tiếp xúc với thực vật nghi ngờ.

* Viêm da dị ứng:

– Nguyên nhân: Thường gặp do tiếp xúc với lá một số cây họ điều, họ cúc, xoài và bạch quả. Ở vùng trung du miền Bắc, điển hình nhất là cây sơn trồng để lấy gỗ và nhựa dùng trong sơn mài. Chỉ đi ngang qua rừng trồng sơn, nhiều người đã bị sưng phù mặt mày và ngứa ngáy.

– Triệu chứng: Sau khi tiếp xúc, phần da hở của cơ thể như bàn tay, cánh tay, chân sẽ đỏ ngứa chỉ 15 phút sau tiếp cận, phát triển ngày càng nhiều trong vòng 2 ngày. Sau đó nổi mụn nước, bóng nước trên bề mặt thương tổn da.

– Phòng và điều trị:

+ Ngay sau khi tiếp xúc với độc tố thực vật nghi ngờ, nên tắm  với xà phòng vì sau 60 phút đã bám vào da thì không rửa được nữa.

+ Xả bằng nước lạnh, không dùng nước nóng vì nước nóng khiến lỗ chân lông trên da nở rộng mở đường cho độc chất xâm nhập. Sau khi xả để nước bốc hơi tự nhiên hoặc với quạt máy chứ đừng lau bằng khăn sẽ làm nhựa độc lan ra.

+ Sau khi làm da mát lạnh, xoa thuốc giảm ngứa, ngừa rỉ nước như calamine, kem hydrocortisone 1%. Có thể dùng thuốc uống chống histamine như Benadryl, Atarax, Periactin.

Viêm da tiếp xúc với hóa chất từ động vật:

* Viêm da do sâu bướm:

– Nguyên nhân: do tiếp xúc trực tiếp với các độc tố gây kích ứng da có trong nhiều chủng sâu bướm. Da ngứa gây cào gãi và tạo đường cho nhiều hóa chất có trong lông của sâu bướm thâm nhập vào da. Kén sâu bướm treo lơ lửng trên cành và lá cây. Gió sẽ giúp khuếch tán lông hoặc kén sâu vào trong không khí và rơi trên da hoặc quần áo chúng ta.

– Triệu chứng: Sau tiếp xúc một thời gian ngắn, da nổi những sẩn đỏ và mụn nước, gây bỏng rát, ngứa kéo dài 12 giờ sau tiếp xúc.

– Phòng và điều trị: Rửa sạch vùng da tổn thương để loại bỏ hóa chất và lông sâu bám trên da. Có thể dùng một số loại thuốc bôi dịu da và thuốc uống chống ngứa. Tuy nhiên, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu.

* Tổn thương da do nhện cắn:

– Nguyên nhân: Đa phần độc tố nhện chỉ gây đau, sưng đỏ vùng bị cắn. Tuy nhiên, một số độc tố có thể gây hoại tử da, hoặc tổn thương cơ – thần kinh.

– Triệu chứng: Thường thì người bệnh không cảm nhận được vết nhện cắn ngay thời điểm xảy ra. Nhưng sau đó da sẽ bị sưng phồng hình tổ ong tại vị trí bị cắn và lan rộng dần, gây ngứa nhiều, cảm giác hơi đau khi cào gãi. Sờ mảng da tổn thương sẽ có cảm giác sâu, nóng, cứng. Những trường hợp nặng, da dần tái màu, hoại tử lan rộng và sâu, tạo các vết loét rất khó lành.

– Điều trị: Bệnh tự khỏi dần. Một số trường hợp vết cắn sưng to, ngứa nhiều có thể băng ép lạnh và thuốc uống chống ngứa. Một số trường hợp gây tổn thương toàn thân như chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, nôn ói; trầm trọng hơn là gây tổn thương máu, thần kinh, cơ, nội tạng thì nên nhập bệnh viện chuyên khoa.

* Do côn trùng Rove Beetle:                                                                       

 – Côn trùng này khi đậu lên da sẽ gây nhột, nếu đập chết sẽ xịt ra nước gây viêm da dị ứng, có thể bị tái bệnh nhiều lần, thường gây tổn thương trên vùng da trần như tay, cổ, mặt… Côn trùng này sống ở những nơi có nhiều cỏ mục, bụi cỏ, rơm, rạ. Do côn trùng này rất thích ánh sáng nên thường bay theo gió, trúng ai thì người đó chịu.

Một số bệnh ngứa da khác do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng… gồm 2 nhóm:

– Nhóm không lây: Hạt cơm, Herpet, Zona (giời leo), do vi-rút, không lây cho người tiếp xúc.

– Nhóm chỉ lây qua tiếp xúc chặt chẽ lâu dài, nhất là đối với những người suy giảm miễn dịch: nấm ngoài da (hắc lào), bệnh ghẻ có khả năng lây lan mạnh. Ở nhiều đơn vị phải nằm chung giường, đắp chung chăn, dùng chung chậu, bệnh nấm có lúc lên tới 20-30%, bệnh ghẻ tới 40-60% quân số.

TS. Bùi Mạnh Hà 

Read Full Post »

Hút thuốc lá dễ bị đau khớp gối

Các nhà khoa học thuộc Đại học Y Boston và Bệnh viện Mayo (Mỹ) cho biết những ai hút thuốc lá có nguy cơ bị đau khớp gối nhiều hơn so với những người không hút thuốc lá. Nghiên cứu trên 159 nam giới bị viêm khớp gối mãn tính trong 30 năm, các nhà khoa học nhận thấy 19 người trong số này nghiện hút thuốc lá. Khảo sát tuổi tác và cân nặng cho thấy những người thích phì phèo có nguy cơ mất sụn cao và thường phải chịu đau khớp nhiều hơn người không hút thuốc. Theo nhóm khoa học, có thể việc hút thuốc tác động trực tiếp đến các cấu trúc khớp khác, ngăn chặn tác dụng xoa dịu các cơn đau khớp.  (HealthDay)

H.Y7

Read Full Post »

Thuốc ho có thể giết chết trẻ em

 Hơn 1.500 đứa trẻ dưới 2 tuổi ở Mỹ đã phải vào phòng cấp cứu của bệnh viện trong vòng 2 năm và 3 trẻ em đã thiệt mạng vì thuốc ho hoặc thuốc cảm. Đó là thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật của Mỹ (CDCP), được công bố trong ngày 11/1.

CDCP khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên mua các loại thuốc cảm, dù là các loại thuốc rất phổ biến, cho con nhỏ dưới 2 tuổi uống mà không có ý kiến của bác sĩ.

Một cuộc điều tra sau vụ 3 trẻ em dưới 6 tháng tuổi thiệt mạng hồi năm 2005 cho thấy có 1.519 ca trẻ em dưới 2 tuổi phải vào phòng cấp cứu sau khi dùng thuốc ho.

Đến nay, CDCP cho biết vẫn chưa rõ dùng thuốc ho và thuốc cảm với hàm lượng bao nhiêu thì có thể gây tác hại hoặc gây tử vong cho trẻ em dưới 2 tuổi. Ở Mỹ chưa có một quy định cụ thể nào về việc này.

Tuy nhiên, hồi năm 1997, Viện Nhi khoa Mỹ lần đầu tiên đã đưa ra khuyến cáo về nguy cơ biến chứng có liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc cắt cơn ho.

Còn hồi năm ngoái, một trường đại học ở Mỹ cũng khuyên các bác sĩ không nên kê đơn thuốc ho cho các trẻ em dưới 2 tuổi vì những rủi ro có thể gây ra cho các em.

Bác sĩ M. Shannon, trưởng khoa cấp cứu tại Bệnh viện nhi khoa Boston (Mỹ) cho biết có rất nhiều trẻ nhỏ phải vào phòng cấp cứu sau khi dùng thuốc ho hoặc thuốc cảm, nhất là trong mùa đông.

Một bác sĩ khác thì cho rằng liều thuốc tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con mình là thời gian và sự yêu thương vì rất nhiều các loại viêm nhiễm là do vi rút gây ra và có thể tự khỏi trong vòng vài ngày. “Thuốc men trong một số trường hợp có thể gây hại nhiều hơn là bản thân loại viêm nhiễm mà bạn đang cố trị cho con mình”, vị bác sĩ này phát biểu.

Đoan Nhật (Theo AP)

Read Full Post »